KHI NÀO PHẢI THỬ NGHIỆM, KIỂM NGHIỆM THỰC PHẨM

Tự công bố sản phẩm là thủ tục bắt buộc đối với một số sản phẩm nếu muốn lưu thông trên thị trường. Một trong những giấy tờ không thể thiếu trong bộ hồ sơ tự công bố sản phẩm chính là phiếu thử nghiệm, kiểm nghiệm sản phẩm. Đây không chỉ là thủ tục bắt buộc của pháp luật mà còn là cơ sở chứng minh tính an toàn, chất lượng sản phẩm của doanh nghiệp gửi đến người tiêu dùng. Phiếu thử nghiệm, kiểm nghiệm này được doanh nghiệp đăng tải kèm theo hồ sơ công bố lên các trang phương tiện truyền thông để ai cũng có thể tra cứu về những chỉ tiêu chất lượng sản phẩm mà mình đã lựa chọn. Cùng tìm hiểu các quy định của pháp luật về thử nghiệm, kiểm nghiệm thực phẩm.

1 2 3 4 5 5/5 - 2 Bình chọn - 231 Lượt xem

KHI NÀO PHẢI THỬ NGHIỆM, KIỂM NGHIỆM THỰC PHẨM

1. Cơ sở pháp lý thử nghiệm, kiệm nghiệm thực phẩm:

- Luật An toàn thực phẩm năm 2010 ( sửa đổi, bổ sung năm 2018).

- Nghị định 15/2018/NĐ-CP ngày 02/02/2018 của Chính phủ Quy định chi tiết thi hành một số điều của luật an toàn thực phẩm.

- Nghị định 155/2018/NĐ-CP ngày 12/11/2018 của Chính Phủ Sửa đổi, bổ sung một số quy định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của bộ y tế.

2. Thử nghiệm, kiểm nghiệm thực phẩm là gì?

Theo quy định của pháp luật hiện hành thì: Thử nghiệm, kiểm nghiệm thực phẩm là việc thực hiện một hoặc các hoạt động thử nghiệm, đánh giá sự phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật và tiêu chuẩn tương ứng đối với thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, chất bổ sung vào thực phẩm, bao gói, dụng cụ, vật liệu chứa đựng thực phẩm.

Phiếu kết quả thử nghiệm, kiểm nghiệm an toàn thực phẩm của sản phẩm có thời hạn 12 tháng tính đến ngày nộp hồ sơ được cấp bởi phòng thử nghiệm, kiểm nghiệm được chỉ định hoặc phòng thử nghiệm, kiểm nghiệm được công nhận phù hợp ISO 17025 gồm các chỉ tiêu an toàn do Bộ Y tế ban hành.

Thử nghiệm, kiểm nghiệm thực phẩm là một phần không thể thiếu trong hồ sơ khi doanh nghiệp muốn tự công bố sản phẩm của mình ra thị trường.

3. Yêu cầu đối với việc thử nghiệm, kiểm nghiệm thực phẩm

- Theo quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm, các trường hợp thử nghiệm, kiểm nghiệm thực phẩm bao gồm:

+ Thứ nhất, theo yêu cầu của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm hoặc tổ chức, cá nhân khác có liên quan;

+ Thứ hai, phục vụ hoạt động quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm, cơ quan quản lý nhà nước yêu cầu thử nghiệm, kiểm nghiệm xem thực phẩm của cơ sở sản xuất kinh doanh, xuất nhập khẩu thực phẩm có đủ điều kiện an toàn thực phẩm hay không.

+ Thứ ba, cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp chỉ định cơ sở thử nghiệm, kiểm nghiệm kiểm chứng để thực hiện thử nghiệm, kiểm nghiệm thực phẩm về nội dung tranh chấp. Kết quả thử nghiệm, kiểm nghiệm của cơ sở thử nghiệm, kiểm nghiệm kiểm chứng được sử dụng làm căn cứ giải quyết tranh chấp về an toàn thực phẩm.

- Việc thử nghiệm, kiểm nghiệm thực phẩm phải bảo đảm các yêu cầu sau đây:

+ Khách quan, chính xác.

+ Tuân thủ các quy định về chuyên môn kỹ thuật.

4. Một số chỉ tiêu bắt buộc phải thử nghiệm, kiểm nghiệm trong thực phẩm:

Tùy vào từng loại sản phẩm, mà chúng ta tiến hành thử nghiệm, kiểm nghiệm những chỉ tiêu khác nhau, dưới đây là một số chỉ tiêu phổ biến mà đa số thực phẩm nào cũng phải thử nghiệm, kiểm nghiệm.

- Chỉ tiêu cảm quan: Trạng thái, màu sắc, mùi vị, tạp chất.

- Các chỉ tiêu vi sinh vật: Tổng số vi sinh vật hiếu khí, Colifroms, Escherichia coli, Salmonelia spp, Staphylococcus aureus,...

- Hàm lượng độc tố vi nấm: Ochratoxin A, Aflatoxin B1, Aflatoxin tổng số, Aflatoxin M1,...

- Hàm lượng kim loại nặng: Arsen, cadmi, chì, thủy ngân, methyl thủy ngân, thiếc.

Và một số chỉ tiêu khác như: Dư lượng thuốc thú y, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong thực phẩm,...

Một số sản phẩm phải thử nghiệm, kiểm nghiệm trước khi được lưu thông trên thị trường:

- Nước uống đóng chai, nước trái cây, nước yến,...

- Các sản phẩm sữa dạng bột, dạng lỏng.

- Các sản phẩm Phomat.

- Các sản phẩm đóng hộp, mì ăn liền.

- Trái cây sấy, các loại rau củ sấy.

- Hạt nêm, nước mắm, các gói gia vị hoàn chỉnh (lẩu thái, sốt kho thịt, sốt bơ tỏi,...).

...

5. Giải đáp một số thắc mắc về thử nghiệm, kiểm nghiệm:

Không giống như các loại sản phẩm đặc thù khác như thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi, thức ăn thủy sản,... bắt buộc phải công bố hợp quy. Nghị định 15/2018/NĐ-CP ra đời đã giúp các tổ chức, cá nhân phần nào giảm bớt các rắc rối khi làm hồ sơ lưu hành thực phẩm ra thị trường. Giờ đây doanh nghiệp đã có thể chủ động tự công bố sản phẩm của mình ra công chúng một cách dễ dàng và nhanh chóng. Tuy nhiên, luật Việt Nam vẫn còn một số hạn chế khiến doanh nghiệp lúng túng khi thực thi pháp luật.

- Thứ nhất, về thời hạn sử dụng của bản tự công bố thực phẩm:

Trước đây, theo quy định tại Nghị định 38/2012/NĐ-CP Quy định chi tiết thi hành một số điều Luật Vệ sinh an toàn thực phẩm, thì việc thực hiện đăng ký lại bản công bố hợp quy hoặc công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm được quy định:

+ 05 năm đối với sản phẩm của cơ sở sản xuất, kinh doanh có một trong các chứng chỉ về hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến: HACCP, ISO 22000 hoặc tương đương;

+ 03 năm đối với sản phẩm của cơ sở sản xuất, kinh doanh không có các chứng chỉ trên.

Nhưng Nghị định 38/2012/NĐ-CP đã bị bãi bỏ bởi Nghị định 15/2018/NĐ-CP. Và hiện nay vẫn chưa có quy định mới về thời hạn sử dụng của bản tự công bố sản phẩm, nên doanh nghiệp vẫn có thể sử dụng bản công bố cho đến khi có quy định mới của cơ quan có thẩm quyền ban hành.

- Thứ hai, về việc thử nghiệm, kiểm nghiệm định kỳ của sản phẩm:

Theo Thông tư 19/2012/TT-BYT Hướng dẫn việc công bố hợp quy và công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm thì việc thử nghiệm, kiểm nghiệm thực phẩm được chia làm 02 loại: Thử nghiệm, kiểm nghiệm để công bố sản phẩm và Thử nghiệm, kiểm nghiệm định kỳ.

Chế độ thử nghiệm, kiểm nghiệm định kỳ như sau:

+ 01 (một) lần/năm đối với sản phẩm của cơ sở có một trong các chứng chỉ về hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến: GMP, HACCP, ISO 22000 hoặc tương đương.

+ 02 (hai) lần/năm đối với sản phẩm của các cơ sở chưa được cấp các chứng chỉ nêu trên.

Tuy nhiên Thông tư 19/2012/TT-BYT cũng đã bị bãi bỏ bởi Thông tư 25/2018/TT-BYT Bãi bỏ một số văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực y tế do bộ trưởng bộ y tế ban hành, liên tịch ban hành, cho nên việc thử nghiệm, kiểm nghiệm định kỳ này cũng không còn bắt buộc. Nhưng hiện nay, một số doanh nghiệm vẫn tự giác thực hiện thử nghiệm, kiểm nghiệm định kỳ ít nhất 01 lần/năm để chứng minh chất lượng của mình đối với người tiêu dùng hoặc do yêu cầu của đối tác, nơi trưng bày và bán những sản phẩm của doanh nghiệp như siêu thị. Vì vậy, việc thử nghiệm, kiểm nghiệm định kỳ có thể được doanh nghiệp tự chủ trương thực hiện tùy theo nhu cầu của mình.

Lưu ý: Quý khách hàng lưu ý, trên đây là thông tin thể hiện chung cho toàn hàng hóa là thực phẩm mang tính chất tham khảo, tùy vào loại sản phẩm mà quý khách sản xuất, kinh doanh (bánh kẹo, trà, hạt nêm,...) mà pháp luật Việt Nam có những quy chuẩn kỹ thuật về chỉ tiêu thử nghiệm, kiểm nghiệm riêng cho từng loại thực phẩm.

Doanh nghiệp có thể tham khảo bài viết này của chúng tôi để tự viết hồ sơ hoặc dùng dịch vụ của chúng tôi để tiết kiệm thời gian và nhân lực, liên hệ tư vấn hồ sơ, thủ tục thử nghiệm, kiểm nghiệm sản phẩm theo số điện thoại (zalo) 0905.2014.99 - Ms. Thảo.

Kính chúc Quý Doanh nghiệp sản xuất kinh doanh thuận lợi, bền vững theo yêu cầu của pháp luật.

Sản phẩm tương tự